Thực hư của sự việc thu phí ở danh thắng chùa Yên Tử là như thế nào?

Đi lễ chùa đầu năm từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam. Nhà nhà đi du xuân, đi lễ chùa để cầu mong cho một năm mới bình an, an khang, thịnh vượng. Một trong những điểm du xuân lễ chùa thu hút lượng du khách hằng năm nhiều nhất đó chính là Thiền viện Trúc lâm Yên Tử – một ngôi chùa tọa lạc trên núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Trong năm Mậu Tuất, vào lúc 9h sáng ngày mùng 10 tháng Giêng, lễ khai Hội xuân Yên Tử đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm thuộc dự án Khu Trung tâm lễ hội Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh). Hàng vạn du khách từ khắp mọi nơi đã đổ về chùa Yên Tử trong ngày khai hội để lễ chùa cầu bình an cho gia đình, người thân trong dịp năm mới.

Du khách ngỡ ngàng khi phải nộp phí để tham quan danh thắng Yên Tử

Trong ngày khai hội chùa Yên Tử vào ngày mùng 10 tháng Giêng vừa qua, rất nhiều người dân, du khách thắc mắc trước sự việc tỉnh này thu phí trở lại sau 10 năm đã dừng thu.

Điều này gây ra sự ngỡ ngàng, thậm chí, một số người còn tỏ ra khá bức xúc và cho rằng việc thu phí như vậy là hoàn toàn không hợp lý.

Trao đổi với phóng viên, rất nhiều du khách tỏ ra bất bình trước sự việc này. Nhiều người cho hay, khi đến Yên Tử, họ đã phải đóng rất nhiều các khoản phí gửi xe, phí cáp treo, xe điện,… Những năm trước thì không sao, đến năm nay lại phải đóng thêm một khoản phí tham quan danh lam thắng cảnh mỗi người là 40.000 đồng. Nhiều người nhận xét khoản phí này là khá cao và việc thu phí du khách đi lễ chùa là hoàn toàn không hợp lý.

Bên cạnh đó, nhiều du khách cũng đưa ra quan điểm của mình, người dân đến với Yên Tử bằng tấm lòng thành kính thiện tâm. Đầu năm, ai ai cũng muốn đến chùa để cầu tài lộc, cầu bình an cho gia đình, cho những người thương yêu. Mọi năm thì không sao, năm nay lại mất thêm tiền phí vào chùa thì không hay, không hợp lý, mất đi ý nghĩa. Thậm chí có người còn tỏ ra vô cùng bất bình “nếu vẫn giữ nguyên mức phí đó, sang năm chúng tôi sẽ không đến Yên Tử nữa”.

Khoản phí đó được dùng vào việc gì?

Trước sự việc này, một số ý kiến cho rằng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đang can thiệp vào tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Theo chia sẻ của Ủy ban nhân dân TP. Uông Bí cho biết, tổng số tiền phí đó sẽ chi 20% cho hoạt động của tổ chức bộ máy Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử và các khoản lệ phí khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, 80% tổng khoản phí còn lại sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP. Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử. Bao gồm: quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, công tác phòng chống cháy nổ, cung cấp nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tuyên truyền, quảng bá, tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa các di tích, công trình hạ tầng, phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, nâng cao trình độ và tổ chức bộ máy quản lý; chi trong việc đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo danh lam thắng cảnh Yên Tử.

Quảng Ninh nói gì về việc thu phí tại danh thắng Yên Tử?

Về những ý kiến trái chiều xung quanh việc thu phí tại danh thắng Yên Tử, Phó Chủ tích Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, việc thông qua Nghị quyết về thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện đúng luật.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Hồ Văn Vịnh cũng giải thích: khoản phí được thu  không phải là phí đi lễ chùa mà là phí tham quan danh lam thắng cảnh, được dựa trên quy định của Luật phí và lệ phí. Hội đồng nhân dân tỉnh phải quyết định vấn đề này để đảm bảo tính công bằng đối với người đang sử dụng dịch vụ công.

Thêm vào đó, bất kỳ người nào đến khu vực danh thắng Yên Tử sẽ đều được sử dụng hệ thống đường giao thông thuận tiện, môi trường được vệ sinh sạch sẽ, an ninh trật tự đảm bảo,…

Hơn thế nữa, Bí thư Thành ủy Uông Bí cũng cho biết thêm, việc thu phí tham quan  danh thắng Yên Tử đã được thực hiện từ nhiều năm trước đây. Cụ thể, giai đoạn từ năm 1986 – 1991 thu 300 – 500 đồng/lần/người, năm 1992 thu 1000 đồng/lần/người, năm 1993 – 1994 thu 2000 đồng/lần/người và giai đoạn từ 1995 – 1996 thu 5000 đồng/lần/người. Còn từ năm 2007 đến nay là không thu phí.

Như vậy, từ ngày 1/1/2018 trở đi, phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử sẽ được áp dụng là 40000 đồng/lần/người lớn và 20000 đồng/lần/trẻ em. Những trường hợp được miễn phí bao gồm: trẻ em dưới 1,2 m (hoặc dưới 7 tuổi), người khuyết tật, tăng ni, cư sỹ phật tử hoặc đại biểu Phật giáo.

Những trường hợp được giảm 50% vé tham quan gồm những người được hưởng “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa” theo Quyết định 170/2013/QĐ – Ttg của Thủ tướng Chính phủ, người cao tuổi.

Chính vì vậy, nếu ai đang có ý định đi chùa Yên Tử từ năm 2018, hãy chuẩn bị thêm cho mình một khoản tiền lệ phí để được tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử nhé!

Chúc các bạn có những chuyến du xuân vui vẻ! Ngoài ra nếu các bạn chưa biết về Top 5 ngôi chùa linh thiêng nhất khu vực miền Bắc nên đi lễ dịp đầu năm thì có thể xem thêm nhé.

5/5 - (3 bình chọn)